1. Nhu cầu dinh dưỡng ở người cao tuổi
Do đặc điểm người cao tuổi thường ít phải lao động nặng hơn nên khối cơ của người cao tuổi giảm đi khoảng 1/3 so với thời trẻ, do đó nhu cầu năng lượng giảm đi khoảng 30%, lượng thức ăn ăn vào thường ít hơn. Nhu cầu đối với chất ngọt ở người cao tuổi là 70% đối với nhóm tuổi 60-74, 85% ở lứa tuổi trên 75. Tuy nhiên đây lại là tiền đề dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường. Ở người cao tuổi tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn 8-10 lần so với người trẻ tuổi. Cho nên người cao tuổi nên hạn chế ăn đường, hạn chế uống nhiều nước ngọt và ăn nhiều bánh kẹo. Ngoài ra ở tháp dinh dưỡng cân đối cũng có nhiều hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng cần thiết cho người cao tuổi. Bạn có thể tham khảo qua và đặc biệt lưu ý khi xây dựng chế độ ăn hằng ngày của người cao tuổi cần hạn chế sử dụng nhiều muối để tránh mắc bệnh cao huyết áp.
2. Quá trình chuyển hóa chất ở người cao tuổi
Quá trình chuyển hóa protein ở người cao tuổi thường rất kém, khả năng tổng hợp của cơ thể cũng giảm do đó dễ xảy ra trạng thái thiếu protein ở người cao tuổi. Mặc dù vậy chế độ ăn của người cao tuổi nên hạn chế ăn thịt, nhất là mỡ mà nên thay vào ăn nhiều cá vì cá chứa nhiều đạm quí, dễ tiêu, ít sinh khí và có nhiều axit béo không no rất cần đối với người cao tuổi, có cholesterol cao. Ăn nhiều chất đạm có nguồn gốc thực vật như đậu phụ, sữa đậu nành, sữa chua từ đậu nành và các loại đậu đỗ, lạc cũng khá tốt cho người có tuổi vì loại này có nhiều chất xơ trong thức ăn có tác dụng giữ cholesterol trong ống tiêu hóa sau đó thải ra theo phân. Quá trình chuyển hóa chất béo hay lipit ở người cao tuổi tương đối kém, hoạt động phân giải của men lipaza phân giải trong mỡ giảm. Bên cạnh đó nếu lượng chất ngọt đưa vào quá nhiều sẽ chuyển hóa thành mỡ dự trữ. Do đó người cao tuổi thường có nguy cơ thừa mỡ trong máu, cholesterol trong máu tăng, dễ xảy ra rối loạn trong các thành phần cấu tạo các nhóm mỡ.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh xơ vữa động mạch rồi ảnh hưởng tới cơ tim với các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, phồng động mạch vành, ảnh hưởng đến thiếu máu cục bộ ở não gây ra mất ngủ, nhức đầu, ù tai, chóng mặt, hay quên, giảm khả năng tư duy, tập trung tư tưởng. Nặng hơn có thể xảy ra xuất huyết não, liệt nửa người, hôn mê… Quá trình chuyển hóa gluxit ở người cao tuổi cũng tương đối kém. Lượng gluxit đưa vào cơ thể quá nhiều thường khiến đường hấp thụ vào máu nhanh buộc tụy tạng phải tiết ra insulin để điều chỉnh đường huyết. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi do tụy tạng hoạt động quá tải.
Do đó chế độ ăn của người cao tuổi nên tránh sử dụng nhiều đường, đồ ăn ngọt, bánh kẹo và nước ngọt. Thay vào đó có thể sử dụng chất bột đường có nguồn gốc từ ngũ cốc như cơm, bánh mì…Vì những loại này dễ được tiêu hóa, hấp thu, dự trữ ở cơ thể và chỉ giải phóng ra từ từ đưa vào máu theo nhu cầu hoạt động của cơ thể. Chuyển hóa nước, vitamin và khoáng chất ở người cao tuổi thường khá nhanh. Người có tuổi thường rất nhạy cảm với việc khát nước. Do đó bạn cần có chế độ cho người cao tuổi uống nước vào những bữa nhất định, cần tăng cường số lần uống nước vào mùa hè.
Các vitamin có tác dụng lớn trong việc ngăn ngừa những suy nhược cơ thể, ngăn ngừa sự lão hóa…Do đó vitamin có vai trò hết sức quan trọng đối với người cao tuổi. Nó giúp bảo đảm các chuyển hóa, các quá trình hóa học trong cơ thể, trong đó các quá trình phản ứng men rất hệ trọng mà các quá trình đó vốn đã giảm sút theo tuổi già.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ teo dạ dày ở người già rất cao, sự kém tiết dịch dạ dày và ruột sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu thức ăn, các chất khoáng và vitamin. Vậy nên chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi nên bổ sung thêm một số loại vitamin cần thiết như vitamin A, B, B1, B2, B12, D, C, E…
Hãy xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng và bổ sung các loại thuốc phù hợp để duy trì sức khỏe cho những người cao tuổi trong gia đình mình bạn nhé.
Khỏe Mới Vui - Dinh Dưỡng Hợp Lý Cho Người Cao Tuổi
0 comments:
Đăng nhận xét