Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Tony Robbins là một diễn giả hàng đầu thế giới, mỗi buổi huấn luyện của ông kéo dài hàng chục giờ cho hàng chục ngàn người khắp nơi trên thế giới. Làm sao Tony Robbins có thể giữ được sức khỏe tốt như vậy, mời các bạn cùng tham khảo những chia sẻ của ông ở bài viết này nhé!


Theo Tony Robbins cách bạn giữ và làm cho cơ thể khỏe mạnh phụ thuộc vào cách bạn nuôi dưỡng, làm sạch cơ thể và không tự đầu độc bản thân bằng những chất độc như rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích…
Sức khỏe của bạn phụ thuộc và 2 yếu tố chính : Cách bạn ăn và cách bạn thở (tinh và khí) đó là 2 tác nhân chính đưa bạn lên tới đỉnh cao của sự sung mãn. Giúp bạn có được cơ thể khỏe mạnh để tạo ra kết quả tuyệt vời.

Đây là cách mà Tony Robbins áp dụng khiến ông có thể nói chuyện với hơn 10 ngàn khán giả cả đêm. Lên giường ngủ vào 2 giờ sáng và 6 giờ sáng vẫn dậy với một cơ thể tràn đầy năng lượng và sức sống. Phương pháp này không chỉ đúng cho ông mà còn đúng cho hàng ngàn người theo học từ ông.

Sau đây là những nghiên cứu và chia sẻ của Tony Robbins:


Tôi gọi năng lượng là nhiên liệu của tinh hoa. Ta có thể thay đổi hình ảnh tưởng tượng trong tâm trí của ta. Nhưng nếu hoạt động sinh hóa không ổn định, não bộ sẽ tạo ta những hình ảnh tưởng tượng bị bóp méo. Như vậy toàn bộ tiến trình trở nên vô dụng.

Thực tế, nếu vậy, ta thật khó cảm nhận và sử dụng những thông tin vừa học. Giả sử, ta có một chiếc xe đua đẹp nhất trên đời. Nhưng nếu dùng bia làm nhiên liệu, xe không hoạt động được. Nếu có loại xe thích hợp, nhưng hệ thống đánh lửa không hoạt động hiệu quả, bạn cũng không thể thực hiện đường đua ở mức độ đỉnh cao.

Chương này sẽ trình bày nhiều ý tưởng về năng lượng và cách có được năng lượng đỉnh cao. Nguồn năng lượng càng được hoạt động hiệu quả bao nhiều, cơ thể càng hoạt động hiệu quả bấy nhiêu. Cơ thể càng hoạt động hiệu quả bao nhiêu, cảm xúc càng sảng khoái bấy nhiêu. Bạn sẽ có được những thành quả xuất sắc nhờ tài năng được nuôi dưỡng đúng cách.

Tôi tìm những người có được những kết quả tốt đẹp cho cơ thể họ, những người mạnh khỏe, tràn đầy sức sống. Tôi tìm hiểu xem họ làm gì và tôi làm giống họ. Tôi tóm tắt tất cả những gì mình học được để đặt ra những nguyên tắc cho mình. Tôi đề ra một chương trình thực hiện trong 60 ngày có được lối sống lành mạnh. Tôi áp dụng những nguyên tắc đó hàng ngày. Chưa đầy 30 ngày, tôi đã giảm 15 kg. Quan trọng hơn, cuối cùng tôi đã tìm ra cách sống lành mạnh, sống thoải mái mà không cần phải kiêng khem. Đó là cách để ý tới cơ chế hoạt động của cơ thể và chiều theo cơ chế ấy.

Chương này sẽ đưa ra sáu (06) thành tố quan trọng để có được tình trạng sinh lý mạnh mẽ và khỏe khoắn. Những điều tôi nói sẽ không giống với những gì bạn vẫn thường tin. Có những thông tin đi ngược lại với những ghi nhận của bạn trong việc làm thế nào để có được một sức khỏe tốt.
Áp dụng sáu nguyên tắc này từ 10 – 30 ngày và đánh giá giá trị của chúng bằng những kết quả chúng tạo ra cho cơ thể, hơn là đánh giá bằng những thông tin bạn đã tìm hiểu trước đây. Hãy hiểu cơ chế hoạt động của cơ thể, tôn trọng cơ chế ấy, quan tâm đến nó và rồi nó sẽ chăm sóc lại bạn. Bạn đã biết cách điều khiển não bộ. Bây giờ, bạn nhất định phải học cách điều khiển cơ thể.


1. Học cách thở đúng cách
Hãy bắt đầu bằng yếu tố quan trọng bậc nhất để có được sức khỏe tốt: năng lực của nhịp thở.

Nền tảng của sức khỏe là tiến trình lưu thông khí huyết lành mạnh. Đó là hệ thống vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng tới mọi tế bào trong cơ thể. Nếu hệ tuần hoàn khỏe khoắn, bạn sẽ sống lâu, sức khỏe dồi dào.
Môi trường cho bạn tuổi thọ chính là dòng lưu thông khí huyết. Đâu là điều chi phối hệ tuần hoàn? Nhịp thở. Đó chính là cách bạn có lượng oxy đầy đủ cho cơ thể và kích hoạt tiến trình điện giải của mỗi tế bào.
Hãy phân tích kỹ hơn về cơ chế hoạt động của cơ thể. Hơi thở không chỉ chi phối lượng oxy đến tế bào. Nó còn chi phối dòng lưu thông của bạch huyết. Bạch huyết bao gồm những tế bào bạch cầu bảo vệ cơ thể.
Vậy hệ thống bạch huyết là gì? Có người cho rằng đó là hệ bài tiết. Mỗi tế bào trong cơ thể đều có bạch huyết bao bọc. Lượng bạch huyết trong cơ thể bạn lớn gấp bốn lần số lượng máu lưu thông.
Đây là cách hệ bạch huyết lưu thông vận động. Tim đẩy máu chạy trong huyết quản tới những mao dẫn xốp và mỏng. Máu mang oxy và chất dinh dưỡng tới những mao dẫn này. Từ mao dẫn, oxy và chất dinh dưỡng khuếch tán vào một chất lỏng bao quanh tế bào gọi là bạch huyết.

Tế bào biết cách hấp thu những gì chúng cần. Chúng hấp thu oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển và sau đó thải ra chất độc. Một số chất này quay trở lại mao dẫn. Nhưng những tế bào chết, lượng protein máu, và những chất độc khác phải được hệ bạch huyết thải ra ngoài. Mà hệ bạch huyết hoạt động được là nhờ hơi thở thật sâu.

Tế bào của cơ thể dựa vào hệ thống bạch huyết như là cách duy nhất đào thải lượng độc tố lớn ra ngoài. Lượng độc tố này hạn chế lượng oxy được hấp thu. Lượng chất lỏng dư thừa sẽ đi qua những giao điểm của hệ bạch huyết nơi những tế bào chết và các độc tố (ngoại trừ Protein) trong máu được dung hòa và phá hủy.
Vậy hệ bạch huyết quan trọng mức nào? Nếu hệ bạch huyết hoàn toàn không hoạt động trong vòng 24 giờ đồng hồ, bạn sẽ chết vì lượng protein thừa trong máu không thải ra ngoài được và lượng chất lỏng thừa bao quanh các tế bào lên quá cao.

Hệ tuần hoàn có máy bơm là trái tim. Nhưng hệ bạch huyết không có thứ gì giống như vậy. Cách duy nhất để lượng bạch huyết vận động chính là hơi thở sâu và sự vận động của cơ.
Thế nên, nếu muốn có dòng lưu thông khí huyết lành mạnh, có hệ bạch huyết hoạt động hiệu quả và hệ thống miễn dịch tốt, bạn cần phải hít thở thật sâu và năng vận động để kích hoạt dòng lưu thông của bạch huyết.

Hãy cẩn thận với bất cứ chương trình nâng cao sức khỏe nào mà không đặt tiêu chí hàng đầu là: thông tin về cách thanh lọc cơ thể thông qua cách thở một cách hiệu quả.

Có thể đọc xong chương này, bạn không nhớ gì cũng được. Nhưng xin hãy nhớ tầm quan trọng của việc thở sâu. Bằng cách đó bạn sẽ tăng đáng kể sức sống của cơ thể. Đó chính là lý do việc tập luyện Yoga để tăng cường sức khỏe tập trung rất nhiều vào việc thở đúng cách. Không có cách gì hiệu quả trong việc thanh lọc cơ thể bằng một phương pháp thở đúng.

Trong mọi thành tố cần thiết cho sức khỏe tốt, oxy đóng vai trò quan trọng. Những nhà nghiên cứu tin rằng tình trạng thiếu oxy đóng vai trò chính trong việc khiển tế bào trở thành tế bào mang bệnh hoặc tế bào ung thư.
Tình trạng thiếu oxy chắc chắn đã ảnh hưởng đến chất lượng của tế bào. Hãy nhớ sức khỏe của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của tế bào. Như vậy, cung cấp đầy đủ oxy cho cơ thể sẽ khiến hoạt động sinh lý học của bạn ở tình trạng đỉnh cao. Việc thở đúng cách và hiệu quả chắc chắn phải được ưu tiên hàng đầu.
Vấn đề ở chỗ nhiều người không biết cách thở đúng cách.


Tôi xin chia sẻ cách thở hữu hiệu nhất để làm sạch và thanh lọc cơ thể. Hãy hít thở theo nhịp sau đây: 1-4-2: hít vào một, nhịn thở bốn và thở ra hai. Nếu bạn hít vào trong 4 giây, hãy nhịn thở trong 16 giây và thở ra trong 8 giây.

Tại sao thời gian thở ra lại gấp đôi hít vào? Khi thở ra, ta đào thải lượng độc tố có trong hệ bạch huyết. Vậy tại sao phải nhịn thở lâu gấp bốn lần hít vào? Đó là cách cung cấp đầy đủ oxy cho máu và sự vận hành của hệ bạch huyết. Khi hít thở, nên bắt đầu bằng cách hít thật sâu và tưởng tượng một máy hút bụi đang giúp đào thải toàn bộ lượng độc tố trong hệ máu lưu thông.

Ít nhất ba lần một ngày, hãy ngưng mọi công việc và hít thở thật sâu mười lần theo tỷ lệ như trên. Đừng bao giờ tạo căng thẳng cho mình.
Hãy chọn những con số phù hợp và rồi dần dần tăng cường sức hoạt động cho phổi ngày một lớn hơn. Mỗi ngày dành thời gian thở ba lần như vậy, mỗi lần mười nhịp.

Bạn sẽ thấy sự cải thiện đáng kể về mặt sức khỏe. Không có loại thực phẩm hoặc vitamin nào trên đời này có thể cho bạn kết quả tương tự như cách thở đúng.
Một thành tố quan trọng nhất của sức khỏe là tập thể dục mỗi ngày. Tốt nhất là tập thể dục nhịp điệu. Chạy cũng tốt, nhưng hơi làm bạn căng thẳng. Bơi cũng tuyệt vời. Nhưng một cách tập luyện phù hợp với mọi loại thời tiết là cách tập thể dục nhịp điệu giống như nhào lộn. Cách ấy giảm thiểu áp lực lên cơ thể.

2. Cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Chìa khóa thứ hai là nguyên tắc ăn những thực phẩm mọng nước. 70% trái đất được bao phủ bởi nước. 80% cơ thể của bạn là nước. Vậy theo bạn nghĩ chế độ ăn uống của bạn cần nhất là gì? Ta chắc chắn cần 70% lượng thức ăn là các thực phẩm có nhiều nước. Ví dụ trái cây tươi, rau xanh hoặc nước ép trái cây.

Có người cho rằng uống từ 8 – 12 ly (250ml) nước một ngày là đủ cho cơ thể. Thật điên rồ làm sao! Thứ nhất hầu hết nước ta uống không hoàn toàn tốt, chúng chứa Flo và các chất khoáng cùng với các thành tố độc hại khác. Uống nước nhấp từng nhụm nhỏ là ý kiến hay. Nhưng dù có uống loại nước nào, ta cũng không thể thanh lọc cơ thể bằng cách uống nhiều nước. Lượng nước bạn uống phải được chỉ định bằng cơn khát.

Thay vì cung cấp đầy đủ nước bằng cách uống thật nhiều nước, ta chỉ cần ăn các thực phẩm thiên nhiên có nhiều nước: thực phẩm mọng nước. Trên đời có ba loại thực phẩm như vậy: trái cây, rau xanh và các loại chồi non giá đỗ, dưa chuột bao tử…
Chúng cung cấp thật nhiều nước, đem đến cho bạn các thành tố sạch và có lợi cho sức khỏe. Khi sống với chế độ ăn có ít thực phẩm giàu nước, chắc chắn cơ thể sẽ hoạt động không lành mạnh.
Như tiến sĩ Alexander Bryce đã từng phát biểu trong bài báo Quy luật của sự sống và sức khỏe: “ Nếu ăn những thức ăn ít nước, mức hấp thu của máu sẽ cao hơn.

Những chất độc được thải ra trong quá trình chuyển đổi mô và tế bào không được đẩy ngoài hoàn toàn. Như vậy cơ thể sẽ bị đầu độc bởi quá trình đào thải của chính nó. Lý do chính gây ra tình trạng này là lượng nước cần thiết không được cung cấp đủ để thực hiện tiến trình thải độc trong cơ chế hoạt động của tế bào”.


Chế độ ăn nên hỗ trợ cơ thể thanh lọc độc tố. Đừng làm cơ thể nặng nề thêm với những thức ăn khó tiêu.
Những chất thải tích lũy trong cơ thể sẽ sinh ra bệnh tật. Một cách khiến lượng máu lưu thông và cơ thể thoát khỏi lượng chất thải và độc tố là: hạn chế ăn những thức ăn gây tác hại xấu đến các cơ quan thải độc tố trong cơ thể. Cách còn lại là cung cấp đủ nước để hỗ trợ quá trình pha loãng và thải ra ngoài những độc tố này.

Tiến sĩ Bryce tiếp tục:Theo như các nhà hóa học từng biết, không có một loại chất lỏng nào có thể loại bỏ nhiều loại chất rắn như nước. Nước là loại dung môi hữu hiệu nhất. Vì thế, nếu cung cấp đủ nước, toàn bộ tiến trình sinh dưỡng được kích hoạt và vô hiệu hóa tác động ảnh hưởng của những chất thải độc hại. Sau đó, chất thải được đào thải ra ngoài nhờ thận, hai lá phổi và hậu môn. Ngược lại, nếu những chất độc hại này tích lũy bên trong cơ thể, đủ loại bệnh tật sẽ sinh ra từ đó”.

Nếu dòng máu lưu chuyển đầy ắp những chất độc hại đáng lẽ phải được bài tiết ra ngoài, thì môi trường tạo ra cho tế bào không còn lành mạnh. Khả năng tạo ra một cơ chế sinh hóa mang lại sự cân bằng về cảm xúc cho cá nhân cũng không còn.

Tiến sĩ Alexis Carrel người đoạt giải Nobel năm 1912 và sau đó là thành viên của Viện nghiên cứu Rockefeller đã chứng minh cho luận thuyết này bằng cách lấy những mô của gà (bình thường loài gà sống trung bình 11 năm) và giữ tế bào này sống trong điều kiện hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các chất bài tiết độc hại. Ông cung cấp cho chúng chất dinh dưỡng cần thiết. Những tế bào này tiếp tục sống trong 34 năm. Sau đó Viện Rockefeller tin rằng nếu duy trì tình trạng tối ưu như vậy, những tế bào ấy vẫn còn sống mãi nên họ quyết định kết thúc cuộc thử nghiệm.

Nếu muốn tràn đầy sức sống, hãy ăn thực phẩm tươi sống và nhiều nước. Đơn giản chỉ có thế. Làm thế nào đảm bảo 70% chế độ ăn của bạn là thực phẩm chứa nhiều nước?
Điều này thực ra rất dễ, từ bây giờ mỗi bữa ăn hãy ăn rau sống. Trong bữa ăn nhẹ hãy ăn trái cây thay vì ăn kẹo. Bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt khi cơ thể bạn hoạt động hiệu quả hơn và cảm nhận của bạn tốt hơn bình thường.

3. Chìa khóa thứ ba để có sức khỏe tốt là nguyên tắc kết hợp thực phẩm một cách hiệu quả.

Cách đây không lâu, một tiến sĩ dược tên Steven Smith đã tổ chức sinh nhật lần thứ 100. Khi được hỏi điều gì làm cho ông sống lâu như vậy, ông đáp: “Hãy chăm sóc cho dạ dày của bạn trong 50 năm đầu và nó sẽ chăm sóc bạn trong 50 năm kế tiếp”. Chưa bao giờ nghe câu nói nào đúng đắn hơn.

Nhiều khoa học gia vĩ đại nghiên cứu về sự kết hợp thực phẩm. Tiến sĩ Herbert Shelton là một trong những người nổi tiếng nhất. Nhưng bạn có biết khoa học gia đầu tiên nào nghiên cứu nó một cách kỹ lưỡng không? Đó là tiến sĩ Ivan Pavlov, người nổi tiếng với nghiên cứu làm chấn động thế giới về kích thức và đáp ứng. Nhiều người biến tiến trình kết hợp thực phẩm thành một tiến trình phức tạp. Thực ra nó khá đơn giản: có nhiều loại thực phẩm không nên dùng chung với nhau. Những loại thực phẩm khác nhau đòi hỏi những loại dịch vị khác nhau. Không phải tất cả các loại dịch vị đều giống nhau.

Ví dụ, bạn có ăn thịt bò với khoai tây không? Phomát với bánh mì, sữa với ngũ cốc, cơm với cá? Chuyện sẽ ra sao nếu tôi nói với bạn rằng kết hợp thức ăn như vậy hoàn toàn gây độc hại đến hoạt động của cơ thể và lấy đi năng lượng? Có lẽ bạn sẽ nói một cách bóng bẩy rằng: đôi chỗ tôi có lý. Nhưng bây giờ tôi mất trí rồi.

Hãy để tôi giải thích tại sao sự kết hợp như vậy lại có hại và làm thế nào bạn có thể giữ lại một lượng lớn năng lực của hệ thần kinh mà trước đây bạn đang bỏ phí. Mỗi loại thức ăn được tiêu hóa theo cách riêng: thực phẩm chứa tinh bột (gạo, bánh mì, khoai tây,…) cần môi trường tiêu hóa giàu chất kiềm. Chất này chủ yếu được cung cấp bởi loại men có sẵn trong nước bọt.


Thực phẩm chứa protein (những sản phẩm từ sữa, quả hạnh, các loại hạt như đậu phộng, đậu tương) tìm môi trường axit để được tiêu hóa: axit clohiric và pepsin, một loại enzime có trong dịch vị.

Định luật về hóa học cho thấy hai môi trường trái ngược nhau (axit và kiềm) không thể cùng hoạt động một lúc. Chúng dung hòa lẫn nhau. Nếu ăn protein với tinh bột, tiến trình tiêu hóa bị giảm sút ghê gớm hoặc hoàn toàn ngưng lại.

Thức ăn không được tiêu hóa trở nên vùng đất màu mỡ cho vi khuẩn. Những loại vi khuẩn này làm lên men và phân hủy thức ăn. Toàn bộ tiến trình làm tăng khả năng rối loạn tiêu hóa và sinh ra khí độc.

Kết hợp thực phẩm tương phản sẽ làm suy yếu nguồn năng lượng. Bất kể thứ gì làm suy yếu năng lượng là nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh tật. Nó tạo ra lượng axit dư thừa khiến cho máu đặc hơn và di chuyển chậm hơn trong hệ tuần hoàn. Tiến trình ấy lấy đi rất nhiều oxy của cơ thể. Hãy nhớ bạn cảm giác ra sao sau khi dự một buổi tiệc linh đình. Liệu buổi tiệc ấy có mang lại tinh thần sảng khoái lưu thông khí huyết hay hoạt động sinh hóa lành mạnh hay không? Nó có cho bạn những thành quả bạn mong muốn cho sự sống của mình hay không?

Dưới đây là cách rất đơn giản. Chỉ ăn một loại thực phẩm cô đặc trong một bữa thôi. Thực phẩm cô đặc là gì? Đó là loại thực phẩm không có nhiều nước. Ví dụ, thịt bò là thực phẩm cô đặc. Ngược lại, dưa hấu là thực phẩm giàu nước. Có nhiều người không muốn giới hạn lượng thực phẩm cô đặc ăn vào. Thế nên, đây là cách tối thiểu bạn có thể làm. Hãy chắc chắn bạn không ăn tinh bột carbonhidrat và protein trong cùng một bữa. Đừng ăn thịt với khoai tây. Nếu cảm giác mình không thể sống thiếu một trong hai thứ, bữa trưa hãy ăn một thứ. Thứ khác dành cho bữa tối. Làm thế không khó lắm, phải không?

Ta hoàn toàn có thể vào một nhà hàng sành điệu nhất trên đời và nói: “Tôi muốn ăn thịt Bittet, không khoai tây chiên. Kèm theo một đĩa salad lớn và một chút rau luộc”.

Như thế có sao đâu, chất đạm sẽ trộn trong món rau tươi salad và rau luộc bởi vì chúng là thức ăn chứa nhiều nước. Ta cũng có thể gọi món khoai tây chiên mà không cần thịt bò, đồng thời ăn kèm với một đĩa salad lớn vơi rau. Liệu ăn uống như vậy bạn có mang cảm giác đói nữa hay không? Tất nhiên là không rồi.

4. Chìa khóa thứ tư: nguyên tắc tiêu thụ thực phẩm có kiểm soát.

Ẩm thực có phải thú vui của bạn không? Nó cũng là thú vui của tôi. Bạn có biết cách làm sao để ăn được nhiều? Dưới đây là phương pháp: ăn ít thôi! Bằng cách đó, bạn còn đủ chỗ để ăn thêm nhiều món nữa.

Nghiên cứu về dược phẩm liên tục chỉ ta thấy cũng một vấn đề. Cách chắc chắn nhất để tăng tuổi thọ của động vật là giảm lượng thực phẩm loài động vật đó tiêu thụ. Tiến sĩ Clive McCay hoàn thành một cuộc nghiên cứu nổi tiếng tại trường đại học Cornell. Trong thử nghiệm của ông, ông chọn vài con chuột thí nghiệm và cắt giảm lượng thức ăn của chúng xuống còn một nửa.

Thử nghiệm này làm tăng gấp đôi tuổi thọ của những con chuột. Một nghiên cứu tiếp theo của tiến sĩ Edward J. Masaro, đại học Texas còn thú vị hơn. Masaro có ba nhóm chuột: một nhóm được ăn bao nhiêu tùy thích. Nhóm thứ hai cắt giảm lượng thức ăn xuống còn 60%. Nhóm thứ ba ăn bao nhiêu tùy thích, nhưng lượng chất đạm bị cắt giảm xuống còn một nửa. Kết quả thế nào? Sau 810 ngày, chỉ có 13% thành viên nhóm thứ nhất còn sống. Nhóm thứ hai 97% thành viên còn sống. Nhóm thứ ba 50% thành viên còn sống.

Ta rút ra kết luận gì? Tiến sĩ Ray Walfoed, một nhà nghiên cứu nổi tiếng được trường đại học y dược Los Angeles kết luận: “Cho đến nay, phương pháp duy nhất được biết đến có thể làm chậm tiến trình lão hóa và tăng tối đa tuổi thọ của những loài động vật máu nóng là ăn ít.

Những nghiên cứu trên đây rõ ràng có thể áp dụng cho con người bởi vì nó hiệu quả với mọi loài được thí nghiệm từ trước đến nay”. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: tiến trình lão hóa của cơ chế sinh lý học bao gồm cả tiến trình lão hóa bình thường và của hệ miễn dịch diễn ra chậm đáng kể nhờ việc hạn chế lượng thực phẩm tiêu thụ.


Thế nên thông điệp ở đây đơn giản và rõ ràng: ăn ít sống lâu. Ẩm thực là một hình thức giải trí. Nhưng hãy chắc chắn hoạt động giải trí của bạn không lấy đi mạng sống của chính bạn. Nếu muốn ăn thật nhiều, xin cứ việc. Chỉ nên nhớ: thức ăn phải là thực phẩm chứa nhiều nước. Ta ăn nhiều rau xanh, salad hơn thịt bò mà vẫn sống khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực.

5. Chìa khóa thứ 5 cho chương trình sống khỏe là nguyên tắc tiêu thụ trái cây hữu hiệu.

Trái cây là loại thực phẩm hoàn hảo nhất. Nó cần năng lượng ít nhất để tiêu hóa. Bù lại, nó cho ta nhiều năng lượng nhất. Loại thực phẩm duy nhất bổ trợ cho não là glucose. Trái cây có thành phần chủ yếu là fructose (loại này có thể dễ dàng chuyển đổi thành glucose). Đồng thời trái cây thường chứa 90 – 95% nước. Như thế có nghĩa là ăn trái cây bạn được cung cấp dinh dưỡng và thanh lọc cơ thể.


Rắc rối duy nhất đối với trái cây là hầu hết con người ta đều không biết ăn trái cây như thế nào để có được kết quả tối ưu. Làm thế nào để cơ thể hoạt động hiệu quả khi sử dụng chất dinh dưỡng từ trái cây.
Bạn nhất định phải ăn trái cây lúc đói. Tại sao thế? Lý do là bao tử không phải là nơi tiêu hóa chính lượng trái cây ăn vào. Trái cây được tiêu hóa ở ruột non. Hoa quả chỉ ghé qua bao tử vài phút và xuống ruột non. Ở ruột non, trái cây được giải phóng đường.

Nhưng nếu có thịt hoặc khoai tây hoặc tinh bột trong bao tử, trái cây sẽ bị giữ lại ở đây và bắt đầu lên men. Có bao giờ bạn ăn trái cây tráng miệng sau khi dùng một bữa ăn thịnh soạn và ợ hơi sau đó, cũng như cực kỳ khó chịu trong suốt bữa tối chưa?

Lý do là bạn không ăn trái cây theo đúng cách, bạn nhất định phải ăn trái cây lúc bao tử rỗng. Loại trái cây tốt nhất là trái cây tươi hoặc nước ép trái cây.

Chẳng ai muốn uống nước ép trái cây đóng hộp. Tại sao vậy? Hầu hết trái cây đóng hộp như vậy bị đun nóng trong tiến trình hàn nắp hộp và cấu trúc của loại nước ép trái cây này đã bị axit hóa. Cũng giống như trái cây tươi, hãy uống nước ép trái cây khi bao tử rỗng. Thế nên bạn hoàn toàn có thể dùng bữa sau mười lăm hoặc hai mươi phút.


Điều này không phải do tự tôi nói ra. Tiến sĩ William Castillo, người chỉ đạo công trình nghiên cứu về tim mạch ở Massachusetts, đã phát biểu rằng: trái cây là loại thực phẩm tốt nhất ta có thể ăn để tự bảo vệ mình tránh được bệnh tim mạch.

Ông nói trái cây có chứa bioflavinoids sinh học. Chất này giữ cho máu không đông đặc lại và lưu thông tốt trong huyết quản. Nó cũng củng cố cấu trúc của mao dẫn. Những mao dẫn yêu thông thường dẫn đến việc chảy máu trong và nhồi máu cơ tim.

Trước đây không lâu, tôi có nói chuyện với một vận động viên marathon trong một cuộc hội thảo về sức khỏe. Dù hơi bi quan nhưng anh đồng ý sử dụng trái cây theo cách thích hợp. Bạn có biết chuyện gì xảy ta không? Thời gian dành cho đường chạy marathon của anh đã giảm 9,5 phút. Giờ nghỉ của anh giảm xuống một nửa và anh đủ tiêu chuẩn gia nhập đội marathon của Boston. Đây là niềm vinh dự nhất đời của vận động viên này.

Sau đây là điều cuối cùng tôi muốn bạn nhớ về trái cây. Bạn nên bắt đầu một ngày như thế nào? Bạn nên dùng gì trong bữa điểm tâm? Liệu có phải là sáng suốt khi vừa nhảy khỏi giường đã làm đầy hệ tiêu hóa bằng một lượng lớn thực phẩm, sau đó mất một ngày dài để tiêu hóa chúng? Dĩ nhiên là không.

Thứ bạn muốn là thứ dễ tiêu, cung cấp cho bạn fructuse để cơ thể sử dụng được ngay và giúp thanh lọc cơ thể. Khi vừa thức giấc và để cho cả ngày được thoải mái, đừng ăn gì. Chỉ ăn trái cây hoặc uống nước ép. Mỗi ngày chỉ ăn như thế và ít nhất tới mười hai giờ trưa mới dùng bữa kế. Khi ăn trái cây xong, khoảng thời gian bạn giữ cho cơ thể hòa hợp với loại trái cây đó càng lâu, cơ hội thanh lọc cơ thể càng lớn.

6. Chìa khóa thứ sáu để sống khỏe là bí quyết về chất đạm.

Có bao giờ bạn nghe câu: “Nếu nói dối đủ lâu, chẳng mấy chốc người ta sẽ tin bạn”? Chào mừng bạn đến với thế giới kỳ diệu của protein. Không có lời nói dối trơ trẽn hơn là: con người cần chế độ ăn giàu protein để giữ phong độ đỉnh cao và sống khỏe.

Ngược lại, bạn cần phải ý thức về lượng protein ăn vào. Tại sao vậy? Con người có nhu cầu về protein khác nhau. Có người muốn tìm cách tăng nguồn năng lượng. Người khác cho rằng cần protein để có sức chịu đựng dẻo dai. Người khác cho rằng chất đạm tăng cường độ chắc của xương. Tuy nhiên, lượng chất đạm dư thừa sẽ mang lại hậu quả ngược lại với những gì người ta muốn.

Hãy tìm khuôn mẫu về lượng chất đạm cần thiết. Theo bạn, khi nào người ta cần protein nhiều nhất? Có lẽ khi còn bé. Thiên nhiên cung cấp cho ra thức ăn – sữa mẹ. Hãy đoán xem lượng chất đạm có trong sữa mẹ là bao nhiêu: 50%, 25%, 10%? Con số nào cũng cao cả. Sữa mẹ chỉ có 2,38% là chất đạm, ngay cả khi trẻ mới sinh ra đời. Lượng chất đạm giảm xuống chỉ còn 1,2 – 1,6% trong vòng sáu tháng. Thế đấy. Vậy ta lấy ở đâu ra ý tưởng “con người phải cần một lượng lớn chất đạm mới tồn tại được”.

Chẳng ai biết ta cần bao nhiêu protein. Sau mười năm nghiên cứu nhu cầu protein tiêu hóa được ở người, tiến sĩ Mark Hegstead, cựu giáo sư môn dinh dưỡng học tại trường y Harvard khẳng định một sự thật rằng: hầu hết con người thích ứng với bất cứ lượng protein nào có sẵn.

Thêm vào đó, có những người như Fances Lappé, (tác giả cuốn sách Chế độ ăn uống của một hành tinh bé, một cuốn sách trong nhiều thập kỷ đã quảng bá một khái niệm về việc kết hợp rau xanh để có lượng axit amino cần thiết), bây giờ lại nói rằng đã sai. Con người không cần kết hợp các loại protein.

Có nghĩa: nếu muốn ăn chay cân bằng, không cần đủ loại protein. Viện khoa học quốc gia cho rằng một người đàn ông Mỹ trưởng thành cần 56g protein một ngày. Trong một bài báo của hiệp hội các khoa học gia dinh dưỡng quốc tế, chúng ta thấy rằng một người đàn ông trưởng thành ở mỗi quốc gia cần một lượng protein một ngày từ 39 – 110g. Vậy thực sự đâu là ý kiến chuẩn xác? Tại sao ta cần nhiều protein như vậy? Có lẽ để thay thế lượng protein đã mất. Nhưng lượng protein tiêu thụ chỉ có khối lượng rất ít thông qua tiến trình bài tiết và toát mồ hôi. Vậy thì ta cần lượng protein lớn như vậy cho cơ quan nào trong cơ thể?


Thực ra, theo Viện hàn lâm khoa học quốc gia chỉ cần 30g protein mỗi ngày thôi. Nhưng họ vẫn khuyên người dân dùng 56g. Giờ thì họ nói lượng protein thừa sẽ làm cho việc bài tiết nước tiểu hoạt động thái quá và khiến ta mệt mỏi. Vậy tại sao họ khuyến cáo dùng nhiều hơn lượng ta cần?

Chúng ta vẫn đang đợi câu trả lời đúng đắn. Họ nói họ thường khuyến cáo 80%. Nhưng khi quyết định giảm con số này xuống thấp, họ đã bị công chúng phản đối. Những lời phản đối ấy xuất phát từ đâu? Bạn hay tôi có lên tiếng phàn nàn không? Chắc là không. Lời phản đối ấy đến từ những người kiếm sống nhờ bán thực phẩm giàu protein.

Tôi có thể đưa ra hàng trăm lý do tại sao ăn thịt để lấy lượng protein là một trong những ý kiến tồi nhất trên đời. Một trong những sản phẩm phụ của tiến trình trao đổi chất dành cho protein là amoniac. Có điểm đặc biệt: thứ nhất, thịt chứa lượng axit uric rất lớn. Axit uric là một trong những chất thải của cơ thể hoặc sản phẩm cần phải bài tiết có được từ tiến trình vận động của tế bào. Thận lấy axit uric từ máu, đưa tới bàng quang, sau đó thải ra ngoài dưới hình thức nước tiểu. Nếu axit uric không ngay lập tức được lấy ra hoàn toàn khỏi huyết quản, lượng axit dư thừa sẽ tích tụ lại trong các mô của cơ thể.


Kế đến, nó tạo ra sỏi trong bàng quang. Đó là chưa nói tới tác hại gây ra cho thận. Người mắc bệnh bạch cầu thường có lượng axit uric cao trong máu. Một lượng thịt trung bình cho cơ thể có chứa 14 hạt axit uric. Cơ thể bạn chỉ loại được tám hạt axit uric mỗi ngày. Còn nữa, bạn có biết cái gì mang lại hương vị cho thịt không? Chính là axit uric từ con thú đã chết do bạn ăn thịt.

Nếu còn nghi ngờ, hãy ăn thịt trước khi ướp gia vị mà xem. Vì huyết động vật đã được lấy đi gần hết trong thịt, thế nên phần còn lại sẽ là axit uric. Thịt không có axit uric không có mùi vị gì cả. Vậy có phải đó là thứ mà bạn muốn cung cấp cho cơ thể, thứ axit thông thường được thải ra ngoài theo đường nước tiểu của động vật?


Bên cạnh đó thịt có đầy rẫy vi khuẩn làm thối rữa. Nếu bạn chưa biết vi khuẩn làm thối rữa là gì, tôi xin giải thích: chúng là vi trùng trong ruột kết. Tiến sĩ Jay Milton Hoffman giải thích trong cuốn sách của ông có tựa đề Sự kết hợp bị lãng quên trong dược phẩm là sự kết hợp hóa thực phẩm trong mối quan hệ của quá trình phản ứng hóa học của cơ thể. Trang 135 có viết: “Khi một động vật còn sống, quá trình thấm lọc ở ruột kết ngăn vi khuẩn gây thối rữa không thể đi khắp cơ thể động vật. Khi động vật chết, tiến trình thấm lọc không còn, vi khuẩn gây thối rữa bơi xuyên qua thành ruột kết đến thịt của động vật. Chúng làm cho thịt mềm hơn”.

Vậy thứ làm cho thịt mềm là các vi khuẩn gây thối rữa. Các chuyên gia dinh dưỡng khác cũng nói về vi khuẩn trong thịt: “Về tính chất, thứ vi khuẩn có trong thịt giống vi khuẩn có trong phân bón. Lượng vi khuẩn có trong thịt nhiều hơn trong phân tươi. Mọi loại thịt đều bị nhiễm vi trùng có trong phân bón trong tiến trình giết mổ. Và thứ vi khuẩn đó sẽ tăng thêm trong quá trình thịt được lưu trữ trong kho”. Phải chăng đó là thứ bạn muốn ăn?

Nếu nhất thiết phải ăn thịt cho được, thứ nhất, nên ăn thịt động vật nuôi trong môi trường tự nhiên. Có nghĩa nguồn thịt ấy đảm bảo không có hóc môn tăng trưởng hay còn gọi là DES. Thứ hai, cương quyết giảm lượng thịt ăn vào. Tối đa mỗi ngày chỉ ăn một bữa thịt.

Tôi không có ý nói rằng chỉ bằng cách không ăn thịt bạn sẽ khỏe mạnh. Tôi cũng không nói rằng: nếu ăn thịt, bạn sẽ không khỏe mạnh. Cả hai câu nói trên đều không đúng. Rất nhiều người ăn thịt khỏe hơn người ăn chay. Đơn giản vì người ăn chay có xu hướng tin rằng: nếu không ăn thịt, họ có thể ăn đủ thứ còn lại. Tôi không hề ủng hộ ý kiến đó.

Liệu các sản phẩm từ sữa có tốt hơn thịt không? Theo một số khía cạnh, chúng còn tệ hơn. Mỗi loại động vật có sữa với lượng chất cân bằng hữu ích cho loài của mình mà thôi. Rất nhiều rắc rối sinh ra từ việc uống sữa của động vật khác, bao gồm cả sữa bò.

Ví dụ lượng hóc môn tăng trưởng nhiều trong sữa bò được thiết kế để nuôi dưỡng cho con bê lớn từ 40kg khi mới sinh lên 500 – 600kg khi trưởng thành sau hai năm. Bằng cách so sánh, trẻ sơ sinh ở người khi mới sinh chỉ có từ 3 – 4kg. Lúc cơ thể trưởng thành cân nặng từ 50 – 100kg. Thời gian là 21 năm.


Tác hại của sữa đối với con người đang gây nhiều tranh cãi. Tiến sĩ William Ellis, người hiểu biết sâu rộng về sản phẩm từ sữa và tác động của chúng lên hệ tuần hoàn của con người, tuyên bố rằng: “Nếu muốn mắc các chứng dị ứng cứ việc uống sữa. Nếu muốn cản trở sự hoạt động của cơ thể, cứ việc uống sữa”. Lý do là – theo ông – ít người trưởng thành có thể chuyển hóa chất đạm trong sữa bò theo đúng cách. Loại protein chính có trong sữa bò là casein. Đây là loại protein cần trong quá trình trao đổi chất ở bò để có sức khỏe hợp lý. Tuy nhiên, casein lại không phải là thức con người cần.

Theo nghiên cứu của ông, cả người trưởng thành lẫn trẻ em đều gặp khó khăn lớn trong việc tiêu hóa casein. Các nghiên cứu của ông cho thấy, ít nhất ở trẻ em, 50% hoặc nhiều hơn, lượng casein không thể tiêu hóa được. Lượng protein này, sau khi được tiêu hóa phần nào, theo máu đi khắp cơ thể và quấy rối các mô khiến cơ thể dễ mắc các chứng dị ứng.

Cuối cùng gan phải lọc bỏ toàn bộ lượng protein từ sữa bò chưa được tiêu hóa hết. Tiến trình này đã chất gánh nặng không cần thiết lên hệ bài tiết, và gan là kẻ giơ đầu chịu báng. Ngược lại, lượng lactalbumin, một loại protein chủ yếu trong sữa của người, lại dễ dàng cho con người trong quá trình tiêu hóa. Còn về phần uống sữa để có canxi, Ellis tuyên bố rằng: sau khi thử nghiệm mẫu máu của hơn hai trăm lăm mươi ngàn người, ông thấy ai uống từ ba, bốn hoặc năm ly sữa mỗi ngày có lượng can xi trong máu thấp nhất.

Theo Ellis nếu lo không đủ canxi , chỉ cần ăn thật nhiều rau xanh, bơ từ hạt vừng hoặc vỏ hạt; chúng có nhiều canxi và dễ tiêu hóa. Đồng thời, quan trọng là phải nhớ rằng: nếu tiêu hóa quá nhiều canxi, chất này sẽ tích tụ trong thận và hình thành sỏi thận.

Như vậy, để giữ cho máu chậm bị đông đặc, cơ thể cần thải ra 80% lượng canxi ăn vào. Tuy nhiên, nếu bạn quan tâm, tôi xin giới thiệu có nhiều nguồn khác cung cấp can xi, không phải sữa.

Ví dụ, các loại rau xanh họ cải, nếu có chung khối lượng, sẽ chứa lượng can xi gấp hai lần sữa. Theo nhiều chuyên gia, mối lo lắng về can xi ở nhiều người đều không có cơ sở.


Cuốn sách này cung cấp thêm thông tin, giúp bạn quyết định điều gì bạn cho là hữu dụng và bỏ đi những gì bạn nghĩ sẽ nguy hại. Tuy nhiên, tại sao không thử nghiệm những nguyên tắc trên trước khi đánh giá? Thử 6 nguyên tắc để sống khỏe.

Thử trong vòng từ 10 – 30 ngày. Hoặc suốt đời. Và tự đánh giá liệu chúng có mang lại nguồn năng lượng lớn hơn và cảm giác khỏe khoắn hỗ trợ cho mọi việc bạn làm. Nếu bắt đầu thở theo cách kích hoạt bạch huyết và bắt đầu kết hợp thực phẩm đúng cách, ăn thực phẩm chứa 70% nước.

Chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn có nhớ tiến sĩ Bryce nói thế nào về ích lợi của nước không? Bạn đã bao giờ thấy lửa bốc cháy ở một tòa nhà chỉ có vài lối ra hay chưa? Mọi người đổ xô nhau tới những lối ra ấy. Cơ thể bạn cũng vậy. Nó cũng bắt đầu thải những chất độc hại đã tích lũy trong cơ thể bạn nhiều năm trời. Và nó có thể sử dụng nguồn năng lượng mới được hình thành để thải độc tố càng nhanh càng tốt.
Thế nên, có thể bạn sẽ bị xổ mũi. Phải chăng bạn bị cảm? Không, bạn tạo ra bệnh cảm bởi nhiều năm bạn duy trì thói quen ăn uống không tốt. Cơ thể bạn bây giờ có được năng lượng đế sử dụng những cơ quan bài tiết để tự giải thoát khỏi lượng sản phẩm phế thải dư thừa tích lũy trong các mô và huyết quản.

Vài người thải chất độc ra khỏi các mô. Lượng chất độc ấy theo máu đến các cơ quan bài tiết. Thế nên, tức thời tạo nên cơn đau đầu nhẹ. Có cần uống thuốc đau đầu không? Không! Bạn muốn lượng độc tố trong cơ thể đi đâu, ra ngoài hay cứ tồn tại bên trong cơ thể?

Bạn muốn lượng nước nhầy dư thừa đi đâu, muốn nó trong khăn tay hay trong phổi? Đó là một cái giá quá rẻ để trả cho tiến trình thanh lọc cơ thể sau nhiều năm duy trì thói quen ăn uống không tốt. Tuy nhiên, hầu hết mọi người từng thử nghiệm không có phản ứng tiêu cực nào. Mọi người đều có cảm giác phấn chấn, nguồn năng lượng dâng tràn và cơ thể khỏe mạnh.

Nó đòi hỏi một chút tính kỷ luật: không nhiều lắm bởi vì khi bạn đã phá bỏ được thói quen cũ, bạn sẽ không bao giờ quay trở lại với những thói quen có hại ấy nữa. Mỗi nỗ lực kiên cường đều tăng gấp bội phần thưởng. Nếu muốn, xin hãy hành động. Bắt đầu ngay ngày hôm nay. Nguyên tắc này sẽ thay đổi cuộc đời của bạn mãi mãi.
Nguồn 6 "CHÌA KHÓA" CỦA NĂNG LƯỢNG Discussions
 
* Tổng kết:

1. Sức mạnh của hơi thở giúp thanh lọc cơ thể

• Dòng máu trong cơ thể bạn được trái tim bạn bơm đi, nhưng hệ bạch huyết thì không có trái tim để hỗ trợ nó hoạt động. Nó chỉ hoạt động được thông qua việc hít thở sâu và di chuyển của cơ.
• Vậy đâu là cách thở : Ông đề nghị cách thở như sau để làm sạch hệ thống tuần hoàn và giúp tác động tới hệ bạch huyết theo tỷ lệ 1/4/2. (Nếu bạn hít vào trong 4 giây, hãy nhịn thở trong 16 giây và thở ra trong 8 giây.)

Bước 1 : Hít sâu vào bằng mũi đếm 1n
Bước 2 : Nín thở đếm 4n
Bước 3 : Thở ra hết bằng miệng đếm 2n
Lặp lại bước 1 tới bước 3 trong khoảng hơn 10 lần.

Ví dụ : Nếu bạn hít thật sâu vào trong khoảng thời gian là 4 giây (bạn đếm 1 tới 4) . Thì sau đó bạn nhịn thở 16 giây ( đếm 1 tới 16) và sau đó thở hết ra trong khoảng thời gian là 8 giây (đếm từ 1 tới 8).
Nhớ là khi thở ra bạn phải hóp bụng vào hết mức. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng .

2. Phối hợp các loại thức ăn
"Hãy chăm sóc dạ dày của bạn trong 50 năm đầu đời thì dạ dày của bạn sẽ chăm sóc cho bạn 50 năm cuối đời."Vậy đâu là cách kết hợp thực phẩm đúng trong bữa ăn :
- Không ăn thịt và ngũ cốc trong cùng một bữa ăn.
- Bạn nên ăn thịt với rau hoặc ăn cơm với rau.
- Bạn ăn trái cây tốt nhất vào sáng sớm lúc bụng còn đang đói
- 70% lượng thức ăn là các thực phẩm có nhiều nước. Ví dụ trái cây tươi, rau xanh hoặc nước ép trái cây. Những loại thực phẩm mọng nước như trái cây tươi và rau xanh còn cung cấp cho bạn rất nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu.
- Tối đa mỗi ngày chỉ ăn một bữa thịt.
- Nếu muốn đủ canxi chỉ cần ăn thật nhiều rau xanh, bơ từ hạt vừng hoặc vỏ hạt; chúng có nhiều canxi và dễ tiêu hóa.

 
Khỏe Mới Vui - 6 Chìa Khóa Vàng Để Có Sức Khỏe Dồi Dào Như Tony Robbins

0 comments:

Đăng nhận xét

Học viện Hạnh Phúc Mỗi Ngày

Học viện Hạnh Phúc Mỗi Ngày
Đăng ký để học Miễn Phí những khóa học giúp bạn Hạnh Phúc hơn

Bí quyết LẮNG NGHE để HẠNH PHÚC, BÌNH AN

Bí quyết LẮNG NGHE để HẠNH PHÚC, BÌNH AN
ĐÔI TAI KIM CƯƠNG - Thấu hiểu, sâu sắc, tâm đầu ý hợp

Bài viết phổ biến

Tất cả các bài viết

Nuôi Dạy Con Kiệt Xuất

Làm Mẹ Không Stress

Làm Mẹ Không Stress
Mẹ Bình An, Con Hạnh Phúc