Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

"Khẩu nghiệp" là một trong những nghiệp nặng nhất của con người. Nếu tu được khẩu nghiệp thì đã tu được gần một nửa đời người. Trong  Thập  Thiện  Nghiệp  (không sát  sanh,  không  trộm  cắp,  không  tà  dâm,  không tham, không sân, không si, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không nói lời ác), có tới 4 điều liên quan tới Khẩu nghiệp.

13 điều cần biết để tu khẩu nghiệp

Khẩu là cái miệng, chỉ cho lời ăn tiếng nói. Khẩu nghiệp - tức là những lời nói xấu tạo ra ác nghiệp, nói ra những lời nói không hay gây ra nghiệp xấu cho chính mình.

Tu Khẩu Nghiệp là chỉ Nói điều nên nói và Không được nói điều không nên nói. Và nói một cách chuẩn mực, không được nói bừa bãi, lung tung.

Trong nhà Phật thì Khẩu Nghiệp (xấu) là một trong những nghiệp nặng nhất, vì nó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, nó dẫn đến sự đổ vỡ, dẫn đến sự đau khổ tột cùng, dẫn tới mọi sự phiền não… một lời nói vô tình có thể làm mình và người khác đau khổ ray rứt cả cuộc đời.


Giữa hai vợ chồng một lời nói cũng làm tan vỡ một gia đình, giữa nhân viên với chủ lời nói có thể làm mất việc, mất công danh sự nghiệp, giữa anh em bạn bè người thân có thể gây mâu thuẫn, bất mãn, thù ghét, câm hận, giữa hai vị đứng đầu một lãnh thổ có thể gay ra chiến tranh…

Hãy tu 13 điều sau để có thể tránh được khẩu nghiệp:

1- Không nói dối

Là chúng ta nên nói thật, luôn luôn nói thật, dù là việc nhỏ, vì nói dối hoài sẽ thành thói quen, mà thường thì nói dối một lần thì lần sau phải nói dối tiếp để che đậy cái dối trước, dần dần nói dối không che đậy được nữa thì xảy ra hành động sai, tạo nghiệp sai…Hậu quả nghiêm trọng cái gốc cũng từ việc nói dối. Mà nói dối nhiều quá thì mọi người cũng sẽ biết, sẽ không tin mình nữa, sống mà không ai tin mình thì thật là thảm rồi. (Có thể nói dối để cứu người)


2- Không nói thêu dệt

Là không nói thêm bớt, nghe câu chuyện ở đây xong đi kể cho người khác nghe, mà thường khi kể lại thì hay thêm chút ít để tăng phần phóng đại cuốn hút, cứ như vậy nhiều khi chỉ có bó rau muống thôi cũng ảnh hưởng đến hòa bình thế giới.


3- Không nói hai chiều

Còn gọi là hai lưỡi, ví như nói xấu người này, rồi lại nói xấu người kia, gặp ai cũng nói xấu, mới khen người ta đó quay lưng đi liền nói xấu với người khác, đâm chọc chia rẻ tùm lum, làm cho mọi người hiểu lầm nhau, gia đình người ta xào sáo đổ vỡ, có thể đưa đến những sự việc không thể cứu vãn được.

4- Không nói lời ác, lời tục tĩu…

Chúng ta không nên nói lời ác độc, nói cho sướng miệng, toàn dùng những lời cay cú chữi bới nhục mạ người khác, tâm ác thì nói ác rồi làm ác, thân khẩu ý đều ác thì ngày xuống địa ngục không còn xa, Chớ nên nguyền rủa người ta, không nên nói lời tục tỉu khó nghe…


5- Không nên Vọng Ngữ

Vọng Ngữ là biết thì nói không biết, không biết thì nói biết, cao cống ngã mạn, tự cao tự đại, đao to búa lớn thùng rỗng kêu to, đứng giữa đám đông nói lời không lợi ích, nói lời sai trái mà cứ cho là đúng, ví như chưa chứng mà nói đã chứng thì đó là đại Vọng Ngữ, cứ la làng lên ta là bậc tu đã giác ngộ, ta là thần thánh, ta có thể ban phước giáng họa… lợi dụng mọi người cung phụng cho mình… đó là Đại Vọng Ngữ, tội thật vô cùng lớn.


6. Không nói những lời chán nản, thối chí

Có người bình thường thích nói những lời chán nản làm người khác nhụt chí, thật ra cuộc sống rất cần những lời cổ vũ động viên từ người khác, cho dù không có ai khích lệ thì cũng phải tự khích lệ chính mình. Bản thân không cổ vũ chí hướng của mình, trái lại còn nói ra những lời thoái chí thì đương nhiên sẽ rơi vào vực sâu suy sụp.


7. Không nói những lời tức giận

Con người đang lúc tức giận thường không tự chủ được mà nói ra những lời giận dữ, có lúc làm tổn thương người khác, có khi lại làm tổn thương chính mình. Người ta khi bị xúc phạm thì cần nhất là giữ được tỉnh táo, không nên tùy tiện phát ngôn, vì lời nói lúc nóng giận thường rất khó nghe, vì vậy nhất định đừng nên nói.

8. Không nói những lời oán trách

Khi không hài lòng, người ta thường nói ra những lời bất mãn, oán giận ông chủ, oán giận bạn bè, thậm chí oán giận cả người nhà. Nếu bạn thường xuyên nói những lời oán trách, người khác nghe được sau này sẽ mượn đó làm đề tài để nói về bạn, gây ra bất hòa thị phi, khiến bạn phải đối phó với người này, đối phó với người kia, cuối cùng tự mình làm khổ mình, bạn việc gì phải khổ như vậy?


9. Không nói những lời tổn thương

Có người lỗ mãng nói năng tùy tiện, không hiết bao dung tôn trọng người khác, thường hay nói những lời tổn thương người khác, có lúc “hại người ích ta”, nhưng cũng có khi “hại người hại mình”. Lời nói tổn thương người khác có thể chỉ là nhất thời, nhưng nhân cách của mình đã bị người ta xem thường rồi đó, tổn thương ấy là vĩnh viễn!


10. Không nói những lời khoe khoang

Có người khi nói chuyện thường thích tuyên truyền về bản thân, tự mình quảng cáo rùm beng, tự mình thổi phồng chính mình, người khác nghe xong nhất định không đồng tình. Cho nên khoe khoang chính mình thực tế cũng chẳng được lợi ích gì, trái lại còn làm mình bị tổn thương. Con người muốn vĩ đại thì phải làm những việc vĩ đại, vĩ đại ấy là phải để người khác nói, không thể tự nhận được đâu, bản thân mình khiêm tốn là tốt hơn cả.


11. Không thổi phồng, phóng đại.

Phật giáo giảng “Ngũ giới”, “cấm nói dối” là một trong năm giới cấm này. Nói dối tức là “thấy mà nói không thấy, không thấy mà nói thấy, đúng mà nói là sai, sai mà nói là đúng”, nói một cách đơn giản thì đó là những lời không thật.

Truyện ngụ ngôn “Sói đến rồi” (hay “Chú bé chăn cừu”) từng nói về hậu quả nghiêm trọng của việc nói dối. Một ví dụ khác, ban đầu có 1 chiếc máy bay, qua tai người khác nói thành 11 chiếc, cuối cùng biến thành 91 chiếc, đây chính là những tin đồn thất thiệt, chuyện bé xé ra to, cũng tương tự như là nói dối.

12. Không nói những lời bí mật

Trên đời này có lắm điều bí mật, từ gia đình đến công ty không đâu là không có, nghiệp vụ có bí mật nghiệp vụ, quốc gia có bí mật quốc gia. Hiện nay các quốc gia đều rất coi trọng việc bảo mật, nếu chẳng may tiết lộ bí mật quốc gia thì bạn sẽ bị xử lý nghiêm khắc và chịu hình phạt nặng nề.

Cho nên chúng ta cần phải tạo thành thói quen giữ bí mật, không được tùy tiện phát ngôn. Trước khi nói ra những chuyện bí mật, bạn phải nghĩ đến những hậu quả xấu có khả năng xảy ra, hiểu rõ tính nghiêm trọng của nó thì sẽ không dám tùy tiện ăn nói lung tung.

13. Không nói những lời riêng tư

Mỗi người đều có những chuyện riêng tư, việc riêng của mình đương nhiên không muốn người khác biết, việc riêng của người khác cũng không thể mang ra nói lung tung. Cho dù bạn có nói ra hết chuyện riêng của người khác mà họ không phản kháng lại thì tính xấu của bạn cũng đã lộ ra rồi, sau này bạn sẽ khó mà có được hậu phúc nữa.

Con người sống trong nhà không chỉ để che mưa che nắng mà còn vì an toàn, nhưng chủ yếu nhất là để đảm bảo sự riêng tư. Người ta mặc quần áo một phần là để giữ ấm nhưng quan trọng là để che đậy thân thể của mình. Vì thế, nếu muốn tôn trọng lẫn nhau thì không được tiết lộ những việc riêng tư của người khác.

Ngoài những điều kể trên, đương nhiên còn có rất nhiều điều không nên nói và không nên làm, thận trọng với những lời nói của mình cũng chính là đang “tu khẩu” (tu cái miệng của mình), bằng không chính bạn đang hủy đi phúc đức của mình đấy!


Thường thì gieo Nhân phải gặt Quả, Nhân thế nào thì Quả thế ấy, gieo hạt cam thì được  quả  cam thơm ngọt,  gieo  hạt  chanh  thì  quả  chanh  chua,... Nói lời đắng cay thì sẽ gặp phải kết quả đắng cay.
Xưa không biết thì đã đành, giờ biết Khẩu Nghiệp thế nào rồi thì sám hối, nhận lỗi và  sửa sai, đừng bao giờ  tái  phạm  nữa.  Hãy  nói  lời  dễ  nghe,  lời  hay,  lời  có  ích  cho  mọi người, nói lời vui vẻ hòa nhã, nói lời gắn kết yêu thương, nói lời chân thật… Giữ cho Ý trong sạch, Thân trong sạch thì Khẩu cũng trong sạch. Nhân lành ắt Quả lành.... Chúng ta cùng cố gắng tu Khẩu Nghiệp.


* Câu chuyện của Phật: Làm sao để tránh được Khẩu Nghiệp?
Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh , họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng, họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.

Người kêu tên Phật chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh Ngài không chấp không buồn. Còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên.

Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Từ đây về sau mọi người có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui.

Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai , thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó là là điều không hay.

Lẽ dĩ nhiên không phải lời thị phi nào cũng dễ bỏ ngoài tai. Có những lời sỉ nhục nhân cách, tác động không chỉ tới riêng ta mà còn tạo làn sóng dư luận đến tâm lý những người quanh ta, họ có thể từ chỗ lời thị phi mà nhìn nhận không đúng về ta.

Cứ bình tĩnh. Bởi lẽ, những lời thị phi sẽ chỉ ảnh hưởng được những ai hời hợt qua loa đánh giá vấn đề từ cửa miệng; những người sâu sắc, thâm trầm, có tri thức thì biết nhìn sâu nhìn rộng và chỉ có nhận xét khi đã thẩm định kĩ càng. Thế nên, nếu ta đúng thì hãy giữ vững sự kiên định của tâm thức, bởi chẳng khó khăn gì khi ta vượt qua những lời ong tiếng ve không sự thật, căn cứ.


Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được.

Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng nên vì một ai đó đã gây ra lỗi lầm trong quá khứ mà dùng lời lẽ nặng nề để hành hạ họ, như Oscar Wilde có nói: “Every saint has a past, every sinner has a future.”

Nghĩa là: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”.

Phật dạy: Khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất của đời người. Hoạ từ miệng mà ra.

Nặng:
– ăn không nói có
– nói lời hung ác
– nói lưỡi đôi chiều
– nói lời thêu dệt

Nhẹ:
– ăn uống cầu kỳ (cứ con gì cũng ăn cho ngon cho no đi)
– phê bình khen chê
– rêu rao tứ chúng
Hậu quả của khẩu nghiệp cũng vô cùng kinh khiếp. Không dương thì âm, sớm hay muộn thì cũng đều có báo ứng.

Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được.

Chửi bới và nói xấu hay đi rêu rao về người khác mà người ta không phản ứng, hay không biết thì như kẻ tự ngửa cổ lên trời phun nước bọt rồi chỉ rơi trúng mặt mình. Vậy tốt nhất không nên đi nói xấu ai khắp mọi nơi, dù họ có làm điều không tốt thật mà không gây hại đến bản thân mình và cộng đồng. Bởi ngậm máu phun người thì tanh mồm mình trước.

Vì vậy, nếu bạn tu được khẩu nghiệp, chỉ nên nói những điều cần thiết để giúp người khác tốt lên, không nên nói những lời cay đắng, ác nghiệt, gièm pha,...khiến người khác đau khổ.

Nếu giúp được người khác tốt lên, hạnh phúc hơn, thành đạt hơn thì bản thân họ mãi mãi nhớ ơn bạn và sẽ báo đáp bằng việc giúp đỡ con cháu bạn!


Chính vì vậy, Khéo Tu Khẩu Nghiệp Chính Là Để Phước Cho Đời Sau!

Hãy chia sẻ bài viết này tới những người xung quanh bạn để góp phần xây dựng một xã hội văn minh và tràn ngập yêu thương bạn nhé!

Khỏe Mới Vui tổng hợp - Khéo Tu Khẩu Nghiệp, Để Phúc Đời Sau!

0 comments:

Đăng nhận xét

Học viện Hạnh Phúc Mỗi Ngày

Học viện Hạnh Phúc Mỗi Ngày
Đăng ký để học Miễn Phí những khóa học giúp bạn Hạnh Phúc hơn

Bí quyết LẮNG NGHE để HẠNH PHÚC, BÌNH AN

Bí quyết LẮNG NGHE để HẠNH PHÚC, BÌNH AN
ĐÔI TAI KIM CƯƠNG - Thấu hiểu, sâu sắc, tâm đầu ý hợp

Bài viết phổ biến

Tất cả các bài viết

Nuôi Dạy Con Kiệt Xuất

Làm Mẹ Không Stress

Làm Mẹ Không Stress
Mẹ Bình An, Con Hạnh Phúc