Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Cây sung hay ưu đàm thụ hoặc tụ quả dong (danh pháp hai phần: Ficus racemosa, đồng nghĩa Ficus glomerata Roxb., 1802) là loại thân cây gỗ lớn, mọc nhanh, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Cây mọc hoang dại ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới tại những nơi đất ẩm bìa rừng, nhiều nhất là ven các bờ nước ao, hồ, sông, suối.


1. Đặc Điểm Của Cây Sung

Cây thân gỗ cao tới 25–30 m, đường kính thân cây tới 60–90 cm; hoa đơn tính cùng gốc. Vỏ thân cây màu nâu ánh xám, nhẵn. Các cành nhỏ, phiến lá non và chùm quả với các sợi lông cong xuống hay được che phủ rậm rạp bằng lông tơ mềm màu trắng. Các cành nhỏ màu nâu.

Các lá kèm hình trứng-mũi mác, dài 1,5–2 cm, có màng và lông tơ. Các lá sớm rụng, mọc so le; cuống lá dài 2–3 cm; phiến lá hình elip-trứng ngược, elip hay elip hẹp, kích thước 10-14 x 3-4,5(-7) cm, dai như da, lục nhạt ở xa trục, có lông tơ khi còn non, không lông và hơi xù xì khi già, màu lục sẫm ở gần trục và nhẵn nhụi, gốc lá hình nêm hơi cùn, mép lá nguyên, nhọn đỉnh tới hơi cùn; gân bên cơ sở 2, gân thứ cấp 4-8 ở mỗi bên của gân giữa.


Quả mọc thành chùm trên các cành nhỏ ngắn trên thân cây già, đôi khi ở nách lá trên các cành non hay trên các cành nhỏ không lá đã già, mọc thành cặp, màu cam ánh đỏ khi chín, hình quả lê, đường kính 2-2,5 cm, phần gốc quả thu nhỏ thành cuống, lỗ chân lông trên đỉnh hình rốn, phẳng; cuống dài khoảng 1 cm; các lá bắc tổng bao hình tam giác-trứng. Các hoa đực và cái cũng như vú lá mọc ra trên cùng một cây. Hoa đực: các lỗ chân lông cận đỉnh, không cuống; thùy của đài hoa 3 hay 4; nhị 2. Vú lá và hoa cái: có cuống nhỏ; các thùy đài hoa thẳng, đỉnh 3- hay 4-răng; vòi nhụy ở bên; núm nhụy hình chùy. Ra hoa trong khoảng tháng 5 tới tháng 7.

2. Công Dụng Của Cây, Quả, Lá Sung

Quả sung mọc thành từng chùm ở thân cây có thể ăn được, người ta hay muối như muối dưa để ăn trực tiếp hoặc kho với thịt, cá.

Lá sung non cũng thường được sử dụng trong ẩm thực khi ăn kèm với thịt chua, thịt lợn ba chỉ luộc, gỏi cá,... Lá sung tật - tức loại lá có côn trùng đẻ vào khiến các đốm sùi lên - được dùng để chữa một số loại bệnh và là thành phần trong phương thuốc lợi sữa.


Loại cây này là một loài cây cảnh rất phổ biến vì có dáng thân rất đẹp và bởi quan niệm từ sung gần với sung túc, hiện tại cây sung còn được sử dụng làm bonsai.
Trong mâm ngũ quả ngày Tết nhiều nơi người ta xếp chùm quả sung cùng các loài trái cây khác để chưng trên bàn thờ với mục đích cầu mong sự sung túc, sung sướng cho gia đình trong năm mới.
Nhựa sung được sử dụng để chữa các vết thương xây xát ngoài da, chữa đau đầu, áp xe vú, nhọt độc, hen, chốc lở, ghẻ ngứa.

Theo nghiên cứu hiện đại, quả sung có chứa glucose, saccarose, quinic acid, shikimic acid, oxalic acid, citric acid, malic acid, auxin, các nguyên tố vi lượng như canxi, phot pho, kali... và một số vitamin như C, B1... Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm bước đầu cho  thấy, quả sung có tác dụng nhuận tràng, hạ huyết áp và phòng chống ung thư.
 


Trong y học cổ truyền, quả sung vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện, tiêu thũng giải độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp...

3. Bài Thuốc

Điều kinh phụ nữ: lá sung 60g, măng sậy hoặc búp sậy 30g, ngải cứu 20g, phèn chua phi 5g và một ít muối. Tất cả giã nát, thêm nước dừa quấy đều rồi vắt lấy nước. Uống vào thời gian gần có kinh thì hành kinh tốt.

Chữa sởi trẻ em: lá sung tật, lá dâu, lá đậu ván, lá cối xay mỗi thứ 15g, tất cả sao vàng, sắc uống trong ngày. Trẻ từ 2-5 tuổi, mỗi lần uống 20ml, cách 2 giờ uống 1 lần cho đến khi khỏi.
Chữa hen suyễn trẻ em: dùng nhựa sung hoà với mật ong uống trước khi đi ngủ.
Chữa nhức đầu: dùng nhựa sung phết lên giấy bản dán vào 2 bên thái dương.

4. Lợi Và Hại Của Quả Sung

* Tác dụng của quả sung

Hạ huyết áp
Báo Phụ nữ TP.HCM cho biết, quả sung giàu kali lại ít natri. Ăn nhiều muối natri mỗi ngày là một trong những nguyên nhân chính làm thiếu hụt kali trong cơ thể. Sự mất cân bằng giữa natri và kali sẽ khiến cho huyết áp tăng cao một cách nhanh chóng. Do đó, việc hạn chế ăn muối, đồng thời áp dụng chế độ ăn uống giàu trái cây và rau củ, trong đó có trái sung tươi sẽ giúp cho lượng kali tăng trở lại, ngừa cao huyết áp. Không chỉ vậy, trái sung còn chứa nhiều chất béo omega-3 và Omega-6 giúp huyết áp ổn định và ngừa được các bệnh tim mạch.

Tốt cho hệ tiêu hóa

Trái sung dồi dào chất xơ và prebiotic, có tác dụng kích thích nhu động ruột và tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột phát triển. Vì vậy ăn sung sẽ góp phần cải thiện hệ tiêu hóa, chống táo bón và ngừa bệnh trĩ.

Ngừa loãng xương
Trong trái sung chứa nhiều kali, mangan và canxi - những khoáng chất ảnh hưởng đến mật độ xương. Kali có tác dụng chống lại sự bài tiết canxi thông qua nước tiểu (gây ra bởi chế độ ăn uống nhiều muối), trong khi đó, mangan giúp kích hoạt các enzym tiêu hóa thức ăn một cách dễ dàng, từ đó giải phóng các dưỡng chất canxi giúp xương chắc khỏe. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu bạn bị dị ứng với các sản phẩm từ sữa thì có thể bổ sung canxi từ trái sung.

Trị mụn và viêm da
Vì có đặc tính kháng khuẩn nên khi bị viêm da hoặc mụn trứng cá, bạn có thể nướng trái sung chín, sau đó nghiền nát rồi đắp lên vết thương, tình trạng da sẽ được cải thiện.

Ngừa ung thư và tiểu đường

Kết quả nghiên cứu từ trường Đại học bang Colorado (Mỹ) cho biết, các dưỡng chất dồi dào chứa trong trái sung như coumarin, pectin, beta-carotene, vitamin A, C, E, K, đồng, sắt, kẽm… có khả năng làm giảm cholesterol xấu trong máu, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư ruột kết. Do đó, nên thêm trái sung vào thực đơn ăn uống mỗi ngày (có thể uống nước sắc từ lá sung) để mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Xoa dịu thần kinh
Chất tryptophan trong trái sung có khả năng xoa dịu thần kinh, giúp dễ ngủ. Bên cạnh đó, chất sắt trong sung có tác dụng tốt đối với những người thường xuyên bị mệt mỏi, kém trí nhớ và nhức đầu.


* Tác dụng phụ của quả sung nếu ăn nhiều

Đầy bụng
Theo Sức khỏe và đời sống, ăn quá nhiều sung có thể gây đầy bụng hoặc đau bụng. Trong khi sung có tác dụng chữa táo bón thì đối với một số người, nó lại có tác dụng ngược lại. Vì vậy, uống một cốc nước lạnh sau khi ăn sung có thể giúp giảm nhẹ những vấn đề về tiêu hóa.
Phồng rộp
Ngoài việc gây đau bụng, sung còn gây phồng rộp. Một cốc nước hạt hồi có thể giúp giải quyết vấn đề trên.
Nhạy cảm với ánh nắng
Mặc dù sung rất tốt trong việc chữa các bệnh ngoài da hoặc hỗ trợ chữa ung thư da, nhưng lại làm da trở nên nhạy cảm dưới ánh nắng mặt trời. Tia UV làm tổn thương, dẫn đến một loại những triệu chứng như lão hóa, hắc tố dưới da, hoặc ung thư da. Ngoài ra, còn gây phát ban. Tránh phơi nắng quá lâu nếu bạn ăn sung thường xuyên để tránh các vấn đề về da.
Có hại cho gan và ruột
Sung có thể gây hại cho gan, hạt sung có thể làm tắc ruột. Mặc dù không có dấu hiệu lúc ăn nhưng hạt sung lại gây khó tiêu.
Ảnh hưởng đến việc hấp thụ canxi
Quả sung có chứa nhiều oxalate, gây ức chế quá trình hấp thụ canxi của cơ thể dẫn đến thiếu canxi, gây loãng xương và một số bệnh khác liên quan đến thiếu canxi.


Xuất huyết
Sung chín có tính nóng, có thể gây xuất huyết. Ăn nhiều sung có thể gây xuất huyết võng mạc, trực tràng hoặc chảy máu nhẹ ở âm đạo. Ngoài ra còn gây thiếu máu. Trong trường hợp bị xuất huyết trực tràng hoặc âm đạo, nên dừng ăn sung cho đến khi ngừng chảy máu. Nếu hiện tượng này không ngừng lại, nên đến bác sĩ.
Tụt đường huyết
Ăn sung giúp giảm lượng đường trong máu, có lợi cho bệnh nhân bị tiểu đường; tuy nhiên với những người có lượng đường huyết thấp thì ăn nhiều sung rất có hại. Nếu đường huyết trong cơ thể bạn thấp, nên tránh ăn sung.
Gây dị ứng
Nếu bạn bị dị ứng với sung, có thể bị viêm màng kết, viêm mũi hoặc shock phản vệ; thậm chí hen suyễn. Trước khi ăn, bạn nên kiểm tra xem có bị dị ứng với sung hay không.

Oxalate có hại
Oxalate có rất nhiều trong sung, có thể gây hại cho những người bị thận hoặc túi mật. Nếu ăn nhiều sung có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Sung cũng có thể ảnh hưởng đến lá lách - bộ phận trong cơ thể phụ trách sản xuất tế bào bạch cầu.
Trên đây là những tác dụng phụ của việc tiêu thụ quá nhiều sung. Bạn nên tránh ăn quá nhiều nếu chỉ để thỏa mãn vị giác. Nếu có bất kỳ dấu hiệu dị ứng hoặc hạ đường huyết, nên tránh ăn sung và đến bệnh viện.
Theo Wiki và Tổng hợp từ Internet

Khỏe Mới Vui - Công Dụng Của Quả Sung

0 comments:

Đăng nhận xét

Học viện Hạnh Phúc Mỗi Ngày

Học viện Hạnh Phúc Mỗi Ngày
Đăng ký để học Miễn Phí những khóa học giúp bạn Hạnh Phúc hơn

Bí quyết LẮNG NGHE để HẠNH PHÚC, BÌNH AN

Bí quyết LẮNG NGHE để HẠNH PHÚC, BÌNH AN
ĐÔI TAI KIM CƯƠNG - Thấu hiểu, sâu sắc, tâm đầu ý hợp

Bài viết phổ biến

Tất cả các bài viết

Nuôi Dạy Con Kiệt Xuất

Làm Mẹ Không Stress

Làm Mẹ Không Stress
Mẹ Bình An, Con Hạnh Phúc