Khi thời tiết thay đổi trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Điều là khiến trẻ khó chịu và ảnh hưởng tới khả năng học tập cũng như sức khỏe của trẻ. Những bệnh hay gặp trong mùa đông ở trẻ là gì và các phòng chống như thế nào, mời các bạn cùng tham khảo.
1. Cảm mạo
Gây ra ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, sốt, sợ lạnh, toàn thân khó chịu.
Luôn giữ ấm để phòng cảm mạo cho trẻ
Để đề phòng cảm mạo phong hàn cho trẻ trong mùa đông, phải luôn giữ ấm cho trẻ, cho trẻ ăn uống nóng và đầy đủ chất dinh dưỡng. Không để trẻ ra nơi lạnh, có gió. Ban đêm đi ngủ phải chú ý cho trẻ đi tất và không nằm nơi có gió lùa.
2. Viêm mũi
Ban đầu trẻ bị ngứa mũi, hắt hơi từng tràng hoặc từng cái một, nặng đầu, đau mỏi chân tay. Sốt khoảng 39oC. Ban ngày thì nằm lịm, ban đêm thì quấy khóc bắt mẹ phải bế luôn trên tay. Nếu ở trẻ mới sinh, mũi dễ bị tắc do lỗ mũi rất nhỏ, trong khi đó trẻ lại chưa có thói quen thở bằng miệng nên rất dễ bị khó thở, trẻ quấy khóc, có hiện tượng co kéo ở thượng ức và thượng đòn. Hai hốc mũi trẻ sung huyết đỏ và ứ đọng nhiều dịch.
Để phòng viêm mũi cho trẻ cần nhớ nguyên tắc: sạch, thoáng, ấm và đủ chất. Môi trường, không gian sống của bé cần sạch sẽ, thoáng đãng nhưng bé cần được giữ ấm áp. Bé cần được ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu, bú mẹ đúng cách để tránh bị sặc sữa. Vệ sinh cá nhân cho bé tốt, đặc biệt là chú ý vệ sinh mũi và họng bằng nước muối sinh lý, để giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập làm hại đường hô hấp của bé. Tránh các tác động nhạy cảm lên mũi của bé như: khói bụi, khói thuốc lá, phấn hoa, lông chó mèo, bụi bẩn của chăn ga,..Đi ra ngoài trời lạnh cần đeo khẩu trang giữ ấm hơi thở cho bé.
3. Viêm V.A
VA là tổ chức bạch huyết nằm ở vòm (Végétations Adénoides, viết tắt là:VA), thuộc vòng bạch huyết Waldeyer của hầu họng. Lớp bạch huyết này dày độ 2mm nằm trong lớp dưới niêm mạc của nóc vòm và thành sau của vòm mũi họng, gồm các tế bào lymphô tập trung lại và có chức năng tạo kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn khi chúng xâm nhập vào cơ thể qua ngã mũi hầu.
Bệnh lý VA thường hay gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Đặt biệt ở lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo, do lớp học đông, các trẻ hay bị bệnh lý VA, nên dễ lây cho nhau.
Đưa trẻ đến khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị hợp lý
Viêm VA và viêm Amidan không biến chứng ở trẻ em là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp cho cơ thể hình thành sự miễn dịch cần thiết, chúng chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên hoặc có biến chứng, nhất là biến chứng viêm tai giữa.
Phòng ngừa bệnh lý VA bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ, dinh dưỡng đầy đủ. Nơi ở, môi trường sạch sẽ, thoáng mát, tránh khói bụi, tránh khói thuốc lá, tránh nơi đông người, tránh lạnh, tránh nóng, cho bé phơi nắng khi sáng sớm.
4. Viêm amiđan
Tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng bệnh viêm Amidan ở trẻ
Trẻ bị viêm amiđan cấp sẽ sốt cao từ 39-40oC, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng nhiều, mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi. Viêm amiđan rất dễ gây biến chứng nếu không được điều trị đúng.
5. Viêm họng cấp
Là bệnh thường xảy ra vào mùa đông, gặp cả ở người lớn và trẻ em. Viêm mũi họng cấp là tình trạng viêm niêm mạc mũi họng xảy ra một cách đột ngột gây nên bởi virus, vi khuẩn. Nguy hiểm hơn cả là liên cầu vi khuẩn nhóm A vì nó là thủ phạm gây nên biến chứng như viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm vi cầu thận hoặc viêm họng cấp do nấm (Candida).
Đánh răng sạch sẽ trước khi đi ngủ để phòng bệnh viêm họng cho trẻ
Ngoài các nguyên nhân trên phải kể đến các yếu tố nguy cơ, như: thay đổi thời tiết, lạnh quá, ẩm quá, bụi bẩn, bụi công nghiệp, khói (thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi, rơm, rạ) và có thể do tác động của rượu. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, khàn tiếng.
Để phòng bệnh cần chú ý: Tránh các nguyên nhân gây bệnh; Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, tránh quạt máy, máy lạnh, bụi khói, nước đá, thức khuya. Ăn uống và thể dục điều độ. Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ.
6. Viêm phế quản
Có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết, hoặc bị viêm họng, viêm mũi... Nhiều trường hợp trẻ chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ vài cái, vẫn chơi và ăn uống bình thường.
Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ dẫn đến biến chứng bội nhiễm vi trùng gây viêm phế quản phổi rất nguy hiểm.
Phòng bệnh viêm phế quản
Phòng bệnh cần chú ý: tránh lạnh, tránh bụi, phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bằng nước súc họng, nhỏ mũi. Nên tiêm vaccin phòng chống bệnh cúm. Điều trị triệt để bệnh tai mũi họng. Nâng cao thể trạng bằng tập thể dục đều đặn hàng ngày ở nơi thoáng khí; dùng vitamin A, C, E. Ăn uống đầy đủ, tránh các loại thức ăn gây dị ứng.
7. Bệnh suyễn (hen phế quản)
Hen phế quản, còn được gọi bệnh suyễn là bệnh khó thở từng cơn do co thắt phế quản kèm tăng tiết dịch, nguyên nhân do nhiều dị nguyên kích thích như phấn hoa, lông chó mèo, nấm mốc, bụi các loại…
Thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng như có bệnh chàm, nổi mề đay, ngứa...
Khó thở là biểu hiện điển hình, khó thở khi thở kéo dài làm phập phồng cánh mũi, gây co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè, môi tím, vẻ mặt sợ hãi. Nhiều trường hợp khó thở cấp tính cần xử trí cấp cứu kịp thời.
Để phòng bệnh hen suyễn cần chú ý: Cần tăng sức đề kháng, ăn ngủ điều độ và tránh các tác nhân gây bệnh.
8. Sốt xuất huyết
Bệnh do muỗi truyền, có thể xuất hiện quanh năm, nhưng phát triển mạnh vào mùa mưa, không khí ẩm thấp. Bệnh hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là dưới 10 tuổi. Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột và liên tục (39-40oC) trong vòng 1-6 ngày, có thể xuất hiện dấu xuất huyết dưới da mọc thành từng đám rải rác, có thể xuất huyết ở niêm mạc miệng...
Giữ ấm để giúp trẻ phòng các bệnh mùa đông
Để phòng tránh các bệnh trong mùa lạnh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ chu đáo hơn, tránh nhiễm lạnh, giữ ấm và đặc biệt là gió lạnh khi chiều về. Tránh các tác nhân gây bệnh cho trẻ.
Cần vệ sinh ăn uống và răng miệng cho trẻ thường xuyên để tránh nhiễm trùng. Hơn nữa, thói quen ngoáy mũi và bú tay của trẻ cần được khắc phục triệt để.
Theo dõi và thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ tránh để những biến chứng không đáng có xảy ra.
Theo BS. Nguyễn Ngọc Lan
Thực hiện 6 tốt để phòng bệnh các bạn nhé:
1. Tinh thần tốt, 2. Dinh dưỡng tốt, 3. Thể dục tốt, 4. Môi trường tốt, 5. Nếp sống tốt, 6. Kiến thức tốt
Khỏe Mới Vui - Phòng Bệnh Mùa Đông Cho Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét